Bỏ qua nội dung

Lĩnh vực văn hóa

05/01/2014

Câu 9: Tư tưởng Hồ Chí Minh về một số lĩnh vực chính của văn hóa

  1. Văn hóa giáo dục: Trong nền giáo dục phong kiến, kinh viện xa rời thực tiễn, coi kinh sách của thánh hiền là đỉnh cao của tri thức. Giáo dục phong kiến hướng tới kẻ sỹ, người quân tử, bậc trượng phu, phụ nữ bị tước quyền học hành. Trong nền giáo dục thực dân, không mở mang trí tuệ, thực hiện ngu dân. Đó là nền văn hóa xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát

Nền giáo dục của nước Việt Nam sau khi được độc lập là nền giáo dục mới:

_Mục tiêu của văn hóa giáo dục là thực hiện cả ba chức năng của văn hóa bằng dạy và học. Đó là đào tạo những con người mới có tài có đức. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Cải tạo tri thức cũ, đào tạo tri thức mới. Đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng xây dựng đất nước giàu mạnh và văn minh. Mở mang dân trí từ việc xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt, kết hợp phổ cập và nâng cao, sánh vai với các cường quốc năm châu.

_Cải cách giáo dục là xây dựng hệ thống trường, lớp với chương trình và nội dung dạy học thật khoa học, hợp lý, phù hợp với bước phát triển của ta. Học chính trị, khoa học – kĩ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, lao động,…

_Phương châm, phương pháp giáo dục là phải luôn gắn giáo dục với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, học kết hợp với lao động sản xuất. Giáo dục phải có tính định hướng đúng đắn, rõ ràng, thiết thực, phối hợp nhà trường với gia đình – xã hội, thực hiện bình đẳng dân chủ trong giáo dục.

Học ở mọi nơi, mọi lúc, học mọi người; học suốt đời; coi trọng việc tự học, tự đào tạo và đào tạo lại. “học không biết chán, học không bao giờ đủ, còn sống còn phải học”.

  1. Văn hóa văn nghệ:

_Văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ, tác phẩm văn nghệ là vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng xã hội mới, con người mới.

Văn nghệ là mặt trận “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”.

Văn nghệ sĩ là chiến sĩ “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự tổ quốc, phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân, trước hết là công nông binh. Văn nghệ phải gắn với thực tiễn của đời sống nhân dân. Thực tại đem lại nguồn sinh khí vô tận cho văn nghệ. Chiến sĩ văn nghệ phải thật hòa mình với quần chúng và không được quên rằng “…chỉ có nhân dân mới nuôi dưỡng cho sáng tác của nhà văn bằng những nguồn nhựa sống. Còn nếu nhà văn quên điều đó – thì nhân dân cũng sẽ quên anh ta”.

Phải có những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại mới của đất nước và của dân tộc. Phải phản ánh cho hay, cho chân thật sự nghiệp cách mạng của nhân dân. “Quần chúng mong muốn những tác phẩm có nội dung chân thật và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì bổ ích”. “Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi”.

  1. Văn hóa đời sống

Quan điểm xây dựng đời sống mới thực sự là quan điểm độc đáo của Hồ Chí Minh về văn hóa. Khái niệm đời sống mới bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới, ba nội dung ấy có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu

_Đạo đức mới. Theo Hồ Chí Minh trước hết là thực hành đạo đức cách mạnh cần, kiệm, liêm chính, Chí công vô tư.

_Lối sống mới. Đó là lối sống có lí tưởng có đạo đức, văn minh, tiên tiến, kết hợp hài hòa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa của nhân loại. Cần phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Năm cách phải sửa đổi…có nghĩa là nói về mặt văn hóa của ăn, mặc, ở,…Mặt văn hóa của ăn, mặc, ở…phụ thuộc vào lối sống có văn hóa hay không có văn hóa của con người.

_Nếp sống mới. Quá trình xây dựng lối sống mới làm cho nó dần dần trở thành thói quen ở mỗi người, thành phong tục tập quán của cả cộng đồng trong phạm vi địa phương hay cả nước gọi là nếp sống mới. Nếp sống mới phải kế thừa những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục lâu đời của nhân dân ta. Cái gì cũ mà xấu thì bỏ. Cái gì cũ mà không xấu thì phải sửa đổi cho hợp lí. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà không phù hợp, xa lạ thì phải bỏ. Nếp sống mới là tác phong, phong cách sống, phải tôn trọng trật tự, nguyên tắc, qui định,…của cộng đồng, của xã hội. Tác phong lịch sự, văn minh. Tôn trọng bản thân và mọi người.

 

From → Uncategorized

Gửi bình luận

Bình luận về bài viết này